Phân loại tem kiểm định dán trên phương tiện phòng cháy chữa cháy

Thứ ba - 15/10/2024 23:49 67 0
Tôi muốn hỏi tem kiểm định dán trên phương tiện phòng cháy chữa cháy phân loại thế nào? Bình chữa cháy dán tem kiểm định mẫu nào? Tiến Dũng (Hà Nội)
Phân loại tem kiểm định dán trên phương tiện phòng cháy chữa cháy

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Phân loại tem kiểm định dán trên phương tiện phòng cháy chữa cháy

Theo Điều 15 Thông tư 149/2020/TT-BCA quy định tem kiểm định dán trên phương tiện PCCC như sau:

- Tem kiểm định được dán trên các phương tiện phòng cháy và chữa cháy quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP đã được kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy:

+ Tem mẫu A dùng để dán lên các loại phương tiện: Xe chữa cháy; xe cứu nạn, cứu hộ; xe thang chữa cháy; xe trạm bơm; xe cung cấp chất khí chữa cháy; xe chở và nạp bình khí thở chữa cháy; xe hút khói; tàu, xuồng, ca nô chữa cháy; máy bơm chữa cháy; dụng cụ (téc, phuy, bình, can) chứa chất chữa cháy nêu tại mục 4 Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP;

+ Tem mẫu B dùng để dán lên các loại phương tiện: Vòi chữa cháy; lăng chữa cháy; đầu nối, trụ nước chữa cháy;

+ Tem mẫu C dùng để dán lên các loại phương tiện: Tủ trung tâm báo cháy, đầu báo cháy các loại, chuông báo cháy, đèn báo cháy, nút ấn báo cháy; tủ điều khiển hệ thống chữa cháy tự động; chuông, còi, đèn cảnh báo xả chất chữa cháy, nút ấn xả chất chữa cháy; đèn chỉ dẫn thoát nạn, đèn chiếu sáng sự cố;

+ Tem mẫu D dùng để dán lên các loại phương tiện: Van báo động, van tràn ngập, van chọn vùng, công tắc áp lực, công tắc dòng chảy của hệ thống chữa cháy; ống phi kim loại dùng trong hệ thống cấp nước chữa cháy, ống mềm dùng cho đầu phun chữa cháy;

+ Tem mẫu E dùng để dán lên các loại phương tiện: Bình chữa cháy các loại; chai chứa khí chữa cháy;

+ Tem mẫu G dùng để dán lên các đầu phun chất chữa cháy các loại.

Mẫu Tem kiểm định phương tiện PCCC: Tải về

- Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tổ chức in, phát hành, quản lý tem kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy.

Như vậy, có 5 loại mẫu tem kiểm định dán trên phương tiện PCCC gồm: Tem  mẫu A, B, C, D, E và G. Từng loại mẫu tem kiểm định sẽ được dán tương ứng với từng loại phương tiện PCCC theo quy định của Cục PCCC. Đồng thời bình chữa cháy được dán tem kiểm định mẫu E.

2. Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu dân cư

Theo Điều 6 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu dân cư như sau:

- Khu dân cư là nơi sinh sống của cá nhân, hộ gia đình được bố trí trên phạm vi thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và đơn vị dân cư tương đương (gọi chung là thôn). Một thôn được xác định là một khu dân cư thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy.

- Khu dân cư phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:

+ Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

+ Có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện phòng cháy và chữa cháy bảo đảm số lượng và chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

+ Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

+ Có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.

- Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 136/2020/NĐ-CP phải được Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.

Theo đó, tại Điều 6 Thông tư 149/2020/TT-BCA quy định tiêu chí khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao cụ thể:

- Khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao là khu dân cư quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP khi có một trong những tiêu chí như sau:

+ Có làng nghề sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ.

+ Có tối thiểu 20% hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh hàng hóa, hóa chất dễ cháy, nổ trên tổng số nhà ở hộ gia đình.

+ Có cơ sở chế biến, sản xuất, bảo quản dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ; kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, kho khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ; cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

Như vậy, việc phân loại khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao là hợp lý, giúp các cấp chính quyền xác định rõ đối tượng ưu tiên để tập trung nguồn lực triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC. Từ đó,  tạo hành lang pháp lý vững chắc để chính quyền các cấp thực thi nhiệm vụ bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Đây có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giữ gìn trật tự xã hội.

Tác giả: Hứa Lê Huy

Nguồn tin: thuvienphapluat.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây