Hệ thống thoát hiểm

Thứ hai - 15/07/2024 11:22 114 0
Hệ thống thoát hiểm là một trong những cấu trúc không thể thiếu trong các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình cao tầng, khu chung cư, khu thương mại,… để đảm bảo an toàn tính mạng cho con người khi có các sự cố không may xảy ra.
Hệ thống thoát hiểm

Hệ Thống Thoát Hiểm Là Gì?

Cầu thang thoát hiểm tại tòa nhà cao tầng

Cầu thang thoát hiểm tại tòa nhà cao tầng

Hệ thống thoát hiểm là một hệ thống gồm các lối đi di chuyển liên tục, không bị chặn từ một điểm bất kỳ trong nhà hoặc công trình đến lối ra bên ngoài với các cửa chống cháy ngăn chặn khói lửa cùng hệ thống đèn exit, đèn sự cố. Thông qua đường thoát hiểm, con người có thể nhanh chóng thoát khỏi khu vực nguy hiểm khi xuất hiện sự cố cháy, nổ,….

Lối thoát hiểm phổ biến nhất là lối đi qua hành lang, tiền sảnh và cầu thang. Những đường lưu thông có liên quan đến bộ phận truyền động cơ khí (thang máy, băng truyền) không được coi là đường thoát hiểm vì khi có cháy hoặc sự cố khác, chúng có thể sẽ không hoạt động được.

Bên cạnh đó, những đoạn đường được nêu dưới đây cũng không nằm trong hệ thống thoát hiểm:

  • Đường đi qua các hành lang có lối ra từ giếng thang máy, qua các sảnh thang máy và các khoang đệm trước thang máy, nếu các kết cấu bao che giếng thang máy, bao gồm cả cửa của giếng thang máy, không đáp ứng các yêu cầu như đối với bộ phận ngăn cháy.
  • Đường đi qua các buồng thang bộ khi có lối đi xuyên chiếu tới cửa buồng thang là một phần của hành lang, cũng như đường đi qua gian phòng có đặt cầu thang bộ loại 2 mà cầu thang này không phải là cầu thang để thoát nạn.
  • Đường đi theo mái nhà, ngoại trừ mái đang được khai thác sử dụng hoặc một phần mái được trang bị riêng cho mục đích thoát nạn.
  • Đường đi theo các cầu thang bộ loại 2, nối thông từ ba tầng trở lên, cũng như từ tầng hầm, tầng nửa hầm.

Vai Trò Của Hệ Thống Thoát Hiểm

Hệ thống thoát hiểm là một yếu tố không thể thiếu trong việc thiết kế và xây dựng các tòa nhà cao tầng, nhằm sử dụng thoát thân cho những trường hợp khẩn cấp và nguy hiểm như: hỏa hoạn, cháy, nổ,..

Hệ thống thoát hiểm không chỉ đảm bảo an toàn tính mạng cho con người những lúc xảy ra hỏa hoạn, động đất,… mà khi được thiết kế với hình thức đẹp mắt, nó còn là yếu tố gia tăng tính thẩm mỹ và độ an toàn cho công trình.

Cùng với đó, khi thang máy có trục trặc, mất điện, không thể di chuyển thì lối thoát hiểm cũng là lối di chuyển thiết yếu trong các tòa nhà, chung cư cao tầng.

Các Bộ Phận Chính Trong Hệ Thống Thoát Hiểm Của Nhà Cao Tầng

Một hệ thống thoát hiểm toàn diện được tạo nên bởi hành lang, buồng thang, cầu thang thoát hiểm; cửa chống cháy; đèn exit và đèn sự cố làm theo tiêu chuẩn an toàn xây dựng và an toàn cháy nổ.

Hành Lang, Buồng Thang, Cầu Thang Thoát Hiểm

Hành lang thoát hiểm

Hành lang thoát hiểm

Hành lang, buồng thang, cầu thang thoát hiểm là cấu trúc cực kỳ quan trọng trong các công trình xây dựng được sử dụng để di chuyển thông thường và sơ tán khẩn cấp khi có sự cố cháy, nổ, động đất,…

Cầu thang và buồng thang bộ dùng để thoát nạn được phân thành các loại sau:

(1) Các loại cầu thang bộ

  • Loại 1: Thang bên trong nhà, được đặt trong buồng thang.
  • Loại 2: Thang bên trong nhà, không đặt trong buồng thang.
  • Loại 3: Thang bên ngoài nhà, không đặt trong buồng thang.

(2) Các loại buồng thang bộ thông thường:

  • L1: Có các lỗ cửa ở tường ngoài được để hở hoặc lắp kính trên mỗi tầng;
  • L2: Được chiếu sáng tự nhiên qua các lỗ để hở hoặc lắp kính ở trên mái.

(3) Các loại buồng thang bộ không nhiễm khói:

  • N1: Có lối vào buồng thang từ mỗi tầng đi qua khoảng không bên ngoài nhà theo một lối đi hở (khoảng không này thường ở dạng logia hoặc ban công). Lỗi đi qua khoảng không này không được nhiễm khói.
  • N2: Có áp suất không khí trong buồng thang cao hơn bên ngoài buồng thang (áp suất không khí dương) trong buồng thang khi có cháy.
  • N3: Có lối vào buồng thang từ mỗi tầng đi qua khoang đệm có áp suất không khí dương (thường xuyên hoặc khi có cháy).

Các bạn có thể tham khảo tiêu chuẩn cơ bản về hành lang, buồng thang, cầu thang thoát hiểm trong phần “Quy định về lối thoát hiểm cho nhà cao tầng”; hoặc đọc đầy đủ tiêu chuẩn được ban hành: “QCVN 06:2010/BXD- An toàn cháy cho nhà và công trình”.

Cửa Chống Cháy

Cửa thép chống cháy 2 cánh

Cửa thép chống cháy 2 cánh

Cửa chống cháy là loại cửa được thiết kế để ngăn chặn lửa, khói lan ra các khu vực khác; với 3 loại phổ biến:

  • Cửa thép vân gỗ là một sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền khép kín với cấu tạo từ nguyên liệu thép mạ điện có độ dày từ 0,6 – 1,5mm. Bên ngoài được sơn tĩnh điện và tạo đường vân gỗ giống vân gỗ tự nhiên. Lõi được làm từ giấy tổ ong hoặc bông thủy tinh. Cửa thép vân có có thời gian chống cháy khác nhau (60; 90; 120 phút) tùy từng loại.
  • Cửa thép chống cháy thông thường được làm từ thép với độ dày khoảng 0,8 đến 1,5mm. Lõi được làm từ giấy tổ ong hoặc bông thủy tinh chống cháy với khả năng chống cháy 60; 90; 120 phút tùy từng loại.
  • Cửa inox chống cháy được làm bằng inox tấm có độ dày khoảng 0,8 đến 1,5mm; lõi được làm từ giấy tổ ong hoặc bông thủy tinh chống cháy; có khả năng chống cháy 180 phút.

Cấu Tạo Cửa Chống Cháy

Một bộ cửa chống cháy đầy đủ được cấu thành từ các bộ phận chính như cửa đi, phụ kiện cửa, gioăng ngăn lửa và gioăng ngăn khói.

Cửa đi

Cửa đi là vật dụng có đầy đủ các bộ phận bao gồm khuân, thanh dẫn hướng, bản cánh cửa, tấm cửa cuốn/ tấm cửa xếp dùng để chắn kín các ô cửa trong những bộ phận ngăn cách.

Cửa đi được làm từ thép mạ điện, thép thường hoặc inox tấm với phần lõi bên trong là giấy tổ ong hoặc bông thủy tinh chống cháy.

Phụ kiện cửa

Phụ kiện cửa là các chi tiết như bản lề, tay cầm, khóa, thanh kéo mở khẩn cấp, nắp che ổ khóa, tấm gắn chữ, tấm đẩy cửa, bộ phận trượt, thiết bị đóng mở, bộ phận điện, dây dẫn,…

Gioăng ngăn lửa và gioăng ngăn khói

Gioăng ngăn lửa là gioăng được gắn vào mép của cánh hoặc khuôn cửa với mục đích kéo dài thời gian đảm bảo tính toàn vẹn của cụm cửa khi chịu lửa.

Gioăng ngăn khói là gioăng được gắn vào mép của cánh hoặc khuôn cửa với mục đích ngăn cản sự lọt qua của khói hoặc khí nóng.

Tiêu Chuẩn Cửa Chống Cháy

Theo quy định tại mục 5.2, TCVN 6160:1996, cửa các buồng thang bộ, cửa các phòng kỹ thuật, các phòng dưới hầm phải là cửa chống cháy, có cơ cấu tự động đóng, có giới hạn chịu lửa không dưới 45 phút.

Theo QCVN 06: 2010/BXD cửa chống cháy muốn đạt giới hạn chịu lửa 60 phút thì kết cấu cửa phải không bị phát hủy khi tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ khoảng 1.000°C (nhiệt độ tăng dần đến tối đa khoảng 1.000°C) trong thời gian 60 phút và mặt không tiếp xúc trực tiếp với lửa không được vượt quá 220°C.

Để đáp ứng được những tiêu chuẩn này, cửa chống cháy phải có:

  • Độ dày thép/ inox bên ngoài: 0,6- 1,5mm
  • Lớp lõi cửa chống cháy phải được làm từ giấy tổ ong hoặc thủy tinh chống cháy.
  • Khung cửa phải được làm từ thép tấm mạ điện dày 1 đến 1,2mm.
  • Bề mặt cửa được sơn tĩnh điện một màu hoặc vân gỗ.
  • Gioăng cao su ngăn khói, gioăng cao su ngăn lửa khi đóng cửa sẽ phải kín, tiếng đóng cửa nhẹ nhàng.

Đọc thêm: Cửa chống cháy

Đèn Exit

Đèn Exit Paragon

Đèn Exit Paragon

Đèn exit hay đèn dẫn lối thoát hiểm- loại đèn báo hướng vào lỗi thoát hiểm khẩn cấp cho trong các tòa nhà cao tầng, khu công nghiệp, nhà xưởng, nhà hàng, khách sạn,… giúp mọi người sơ tán khỏi vị trí có sự cố một cách an toàn.

Tiêu Chuẩn Đèn Exit

Theo quy định tại mục 10.1.5, TCVN 3890: 2009: Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình- trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng: đèn exit hay đèn chỉ dẫn thoát nạn phải có nguồn điện dự phòng đảm bảo thời gian hoạt động tối thiểu 2 giờ.

Đèn exit phải được nhìn thấy rõ ràng các chữ “LỐI RA”/ “EXIT” hoặc các chữ khác thích hợp từ khoảng cách tối thiểu 30 mét trong điều kiện chiếu sáng bình thường (300lux) hoặc khi có sự cố (10lux).

Đèn exit phải được lắp đặt bên trên hoặc bên cạnh:

  • Cửa cung cấp lối ra trực tiếp của mỗi tầng.
  • Hành lang, lối đi dẫn ra khu vực lối thoát hiểm.
  • Ban công bên ngoài dẫn đến lối thoát.
  • Cửa ra cầu thang, lối đi của mỗi tầng, lối đi dẫn ra khu vực mở bên ngoài.
  • Lối thoát ngang.

Các Hãng Đèn Exit Phổ Biến Trên Thị Trường Việt Nam

Hiện nay trên thị trường các bạn có thể tìm mua được 2 loại đèn exit gồm loại đèn exit 1 mặt và đèn exit 2 mặt của các hãng sản xuất nổi tiếng tại Việt Nam như:

  • Đèn exit Paragon là dòng sản phẩm phòng cháy chữa cháy của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Minh Hưng Long (Việt Nam) sử dụng bóng Led công suất tiêu thụ 3w tiết kiệm năng lượng đến mức tối đa, không có bức xạ gây hại với con người.
  • Đèn exit Kentom được sản xuất bởi Công ty TNHH Đồng Bằng (Việt Nam) có khả năng chiếu sáng trong thời gian dài. Kentom là loại đèn exit được lựa chọn và sử dụng ở nhiều trung tâm thương mại, cửa hàng, bệnh viện, tầng hầm,… tại Việt Nam
  • Đèn exit Roman- sản phẩm của Công ty Cổ phần Tam Kim là dòng sản phẩm chất lượng cao, có khả năng tiết kiệm 50% năng lượng; ánh sáng liên tục không nhấp nháy tạo cảm giác thoải mái.

Để tìm hiểu thông tin cụ thể về đèn exit, tiêu chuẩn đèn exit và ưu điểm của các dòng sản phẩm nổi tiếng, các bạn vui lòng xem thêm bài viết “Đèn exit”.

Đèn Sự Cố

Đèn Sự Cố Kentom

Đèn Sự Cố Kentom

Đèn sự cố là loại đèn có khả năng sử dụng nguồn điện dự trữ của chính nó để chiếu sáng khi điện lưới của tỏa nhà hay công trình bị mất giúp hoạt động thoát nạn diễn ra nhanh chóng và an toàn hơn.

Phân Loại Đèn Sự Cố

Đèn sự cố gồm 2 loại: đèn sự cố ánh sáng trắng và đèn sự cố ánh sáng vàng.

Đèn sự cố ánh sáng trắng thường được sử dụng trong chiếu sangs nội bộ cho khu vực làm việc, học tập thay thế nguồn sáng điện lưới bị mất do sự cố mất điện.

Đèn sự cố ánh sáng vàng được sử dụng cho các lối thoát hiểm, hành lang, cầu thang, nhà kho, trạm chiết rót gas- xăng dầu,.. vì ánh sáng vàng có thể được nhìn thấy trong khói đen khi xảy ra hỏa hoạn.

Tiêu Chuẩn Đèn Sự Cố

Các tiêu chuẩn được áp dụng trong thiết kế, sản xuất, sử dụng đèn sự cố được quy định tại TCVN 7722-2-22:2013: Đèn điện- Phần 2-22: Yêu cầu cụ thể- Đèn điện dùng cho chiếu sáng khẩn cấp.

Về cơ bản, trong đèn điện khẩn cấp, bóng đèn huỳnh quang sử dụng để cung cấp chiếu sáng khẩn cấp phải khởi động được ở chế độ khẩn cấp mà không cần có sự hỗ trợ của tắc te đóng mở như quy định trong TCVN 6482. Các tắc te này không được nằm trong mạch điện ở chế độ khẩn cấp. Các bóng đèn huỳnh quang có tắc te đóng mở trong không được sử dụng cho chiếu sáng khẩn cấp.

TCVN 3890: 2009 cũng quy định đèn chiếu sáng sự cố phải có nguồn điện dự phòng đảm bảo thời gian hoạt động tối thiểu là 2 giờ. Đèn sự cố có cường độ chiếu sáng ban đầu trung bình là 10lux và cường độ chiếu sáng nhỏ nhất tại bất kỳ điểm nào dọc theo đường thoát nạn đo được không nhỏ hơn 1 lux.

Đọc thêm: Đèn sự cố

Các Hãng Đèn Sự Cố Nổi Tiếng Tại Việt Nam

  • Đèn sự cố Paragon là sản phẩm của công ty Minh Hưng Long có khả năng kích hoạt tự động bật sáng đèn khi có sự cố mất điện với thời gian hoạt động trên 2 giờ chiếu sáng. Vỏ nhựa đèn nguyên chất cao cấp, cách điện, chống ẩm nên chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng.
  • Đèn sự cố Kentom của Tam Kim được thiết kế với công nghệ thông minh tự động bật sáng khi hệ thống điện không tín hiệu, yếu tố này giúp người dùng đảm bảo được hoạt động bình thường của mình.
  • Đèn sự cố Roman của Tam Kim có thân đèn bằng nhựa tốt sử dụng nguồn sáng LED, hiệu suất cao, tiêu tốn ít điện năng.
  • Đèn sự cố Rạng Đông có vỏ ngoài làm từ chất liệu hợp kim cao cấp có độ bền cao và chỉ mất khoảng 0,5 giây để khởi động đèn mang lại hiệu quả cao trong phát sáng.
  • Đèn sự cố Sunca là dòng sản phẩm đến từ Trung Quốc với kiểu dáng sang trọng; sử dụng tiện lợi, có thể xách tay hoặc treo tường; có mạch bảo vệ ắc quy nhằm gia tăng tuổi thọ của bóng đèn.

Thiết Bị Phụ Trợ Thoát Hiểm (Thiết Bị Cứu Nạn Cứu Hộ)

Quần áo chữa cháy theo Thông tư 48

Quần áo chữa cháy theo Thông tư 48

Bên cạnh hệ thống thoát hiểm, các chung cư, tòa nhà cao tầng,… cần phải được trang bị thêm thiết bị phụ trợ thoát hiểm để quá trình thoát nạn, cứu người trong khu vực sự cố diễn ra an toàn và hiệu quả hơn.

Dây Đai Thoát Hiểm

Dây đai thoát hiểm là một trong những thiết bị cần thiết phải trang bị cho các tòa nhà cao tầng giúp người dân có thể tự cứu mình và những người xung quanh.

Dây đai thoát hiểm có hộp giảm tốc được thiết kế dành riêng cho những người sức khỏe kém như trẻ em, người cao tuổi. Cách sử dụng loại thang này khá đơn giản, người dùng chỉ cần thắt đai bảo vệ và sử dụng hộp điều tốc để thả người xuống dưới.

Thang Dây Thoát Hiểm

Thang dây thoát hiểm thông thường là loại không có hộp giảm tốc và đai bảo vệ, loại thang này bền chắc nhưng có cấu trúc giống như thang leo có bậc thang thông thường nên đòi hỏi người sử dụng phải có sức khỏe và kỹ năng để trèo xuống.

Búa Thoát Hiểm

Búa thoát hiểm là loại dụng cụ gọn, nhẹ dễ dàng sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp như cháy, chìm giúp người dùng đập vỡ cửa kính một cách nhanh chóng để thoát ra ngoài.

Quần Áo Chữa Cháy Theo Thông tư 48

Trang phục phòng cháy chữa cháy theo thông tư 48 là trang phục quần áo được công an PCCC quy định tại Thông tư 48/2015/TT-BCA bao gồm:

  • Quần áo chữa cháy
  • Mũ chữa cháy
  • Ủng chữa cháy
  • Găng tay chữa cháy
  • Khẩu trang chữa cháy

Lưu ý: Những trang phục này bảo vệ người mặc ở nhiệt độ 40°c, không có tác dụng chống cháy.

Đọc thêmThiết bị cứu nạn cứu hộ

Quy Định Về Lối Thoát Nạn, Đường Thoát Nạn, Cầu Thang Bộ Cho Nhà Cao Tầng

Dưới đây là một số quy định cơ bản về lối thoát nạn, đường thoát nạn, cầu thang bộ và buồng thang bộ cho các công trình xây dựng.

Lối thoát hiểm

Lối thoát hiểm

Quy Định Về Lối Thoát Nạn

Các Kiểu Lối Thoát Nạn Cho Nhà Cao Tầng

QCVN 06:2010/BXD, mục 3.4.12 quy định:

Trong các nhà có chiều cao lớn hơn 28 mét cũng như các nhà nhóm F5 hạng A hoặc B phải bố trí các buồng thang bộ không nhiễm khói loại N1. Cho phép:

  • Bố trí không quá 50% buồng thang bộ loại N2 trong các nhà nhóm F1.2 dạng hành lang;
  • Bố trí không quá 50% buồng thang bộ loại N2, N3 có áp suất không khí dương khí cháy trong các nhà nhóm F1.1; F1.2; F2; F3 và F4.
  • Bố trí buồng thang bộ loại N2 và N3 có chiếu sáng tự nhiên và luôn có áp suất không khí dương trong các nhà nhóm F5 hạng A hoặc hạng B.
  • Bố trí buồng thang bộ loại N2 hoặc N3 có áp suất không khí dương khi cháy trong các nhà nhóm F5 hạng C hoặc hạng D. Khi bố trí buồng thang bộ loại L1 thì buồng thang phải được phân khoang bằng vách ngăn cháy đặc qua mỗi 20 mét chiều cao và lối đi từ khoang này sáng khoang khác của buồng thang phải đặt ở ngoài không gian của buồng thang.

Lối Ra Thoát Hiểm Từ Tầng Hầm Hoặc Tầng Nửa Hầm

Theo quy định tại mục 3.2.2 QCVN 06:2010/BXD:

Các lối ra từ tầng hầm và tầng nửa hầm là lối ra thoát nạn khi thoát trực tiếp ra ngoài và tách biệt với các buồng thang bộ chung của nhà. Cho phép:

  • Bố trí các lối ra thoát nạn từ tầng hầm đi qua các buồng thang bộ chung có lối đi riêng ra bên ngoài được ngăn cách với phần còn lại của buồng thang bộ bằng vách đặc ngăn cháy loại 1.
  • Bố trí các lối ra thoát nạn từ phòng chờ, phòng hút thuốc, phòng gửi đồ và phòng vệ sinh ở tầng hầm hoặc tầng nửa hầm của nhà nhóm F2; F3; F4 đi vào sảnh của tầng 1 theo các cầu thang bộ riêng loại 2.
  • Bố trí khoang đệm, kể cả khoang đệm kép trên lối ra ngoài trực tiếp từ nhà, từ tầng nửa hầm và tầng hầm.

Số Lối Thoát Hiểm

Số lối thoát hiểm của tầng bố trí gara ô tô:

Theo quy định QCVN 08:2009/BXD, mục 4.14:

  • Từ mỗi tầng của một khoang cháy của gara (trừ gara cơ khí) phải có không ít hơn 2 lối ra thoát hiểm phân tán dẫn trực tiếp ra bên ngoài hoặc vào lồng cầu thang bộ.
  • Cho phép 1 trong các lối thoát hiểm được bố trí trên đường dốc cách ly. Lối đi theo các thềm của đường dốc trên tầng lửng vào lồng thang bộ được phép xem như lối thoát hiểm.
  • Các đường dốc trong nhà gara, đồng thời sử dụng làm đường thoát hiểm phải có vỉa hè với chiều rộng không nhỏ hơn 0,8 mét ở một phía của đường dốc. Cầu thang bộ dùng để làm đường thoát hiểm phải có chiều rộng không nhỏ hơn 1 mét.

Số lối ra thoát hiểm của gian phòng:

Theo quy định QCVN 06:2010/BXD, mục 3.2.5:

  • Những loại gian phòng được liệt kê dưới đây phải có không ít hơn 2 lối thoát hiểm;
  • Các gian phòng trong tầng nửa hầm và tầng hầm có mặt đồng thời hơn 15 người; với những gian phòng trong tầng nửa hầm và tầng hầm có từ 6 đến 15 người có mặt đồng thời thì cho phép có một trong 2 lối ra tuân theo các yêu cầu tại mục 3.2.13, QCVN 06:2010/BXD.
  • Các gian phòng có mặt đồng thời hơn 50 người.
  • Các gian phòng nhóm F1.3 (căn hộ) được bố trí ở cả hai tầng (căn hộ thông tầng), khi, khi chiều cao bố trí của tầng phía trên lớn hơn 18 mét thì phải có có các lối ra thoát hiểm từ mỗi tầng.

Số lối ra thoát hiểm của các tầng, các công trình

Theo quy định tại mục 3.2.6, QCVN 06:2010/BXD, các tầng nhà thuộc các nhóm sau đây phải có không ít hơn 2 lối thoát nạn:

  • F1.1; F1.2; F2.1; F2.2; F3; F4.
  • F1.3 khi tổng diện tích các căn hộ trên một tầng lớn hơn 500m². Trường hợp tổng diện tích nhỏ hơn 500m² và khi chỉ có một lối ra thoát bạn từ một tầng, thì từ mỗi căn hộ ở độ cao lớn hơn 15 mét, ngoài lối ra thoát hiểm phải có một lối ra khẩn cấp.

Theo quy định tại mục 3.2.7, QCVN 06:2010/BXD:

  • Số lối ra thoát nạn từ một tầng không được ít hơn 2 nếu tầng này có gian phòng có yêu cầu số lối ra thoát nạn không ít hơn 2.
  • Số lối ra thoát hiểm từ một ngôi nhà không được ít hơn số lối ra thoát hiểm từ bất kỳ tầng nào của ngôi nhà đó.

Công Thức Tính Toán Khoảng Cách Tối Thiểu Giữa Các Lối Thoát Nạn

Công thức tính cho các lối ra từ gian phòng:

L≥1,50P√(n−1)

Công thức tính cho các lối ra từ hành lang:

L≥0,33D(n−1)

Trong đó:

  • L- khoảng cách tối thiểu giữa các lối thoát nạn, m
  • P – chu vi gian phòng, m;
  • n – số lối ra thoát nạn;
  • D – chiều dài hành lang, m.

Chiều Cao Của Lối Thoát Nạn

Theo quy định tại 3.2.9, QCVN 06:2010/BXD, chiều cao của lối ra thoát nạn không được nhỏ hơn 1,9 mét, chiều rộng không nhỏ hơn:

  • 1,2 mét: từ các gian phòng nhóm F1.1. khi số người thoát nạn lớn hơn 15; từ các gian phòng và nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng khác có số người thoát nạn lớn hơn 50 (trừ nhóm F1.3).
  • 0,8 mét: trong tất cả các trường hợp còn lại.

Chiều Mở Cửa Lối Thoát Nạn

QCVN 06:2010/BXD, điều 3.2.10 quy định: các cửa lối ta thoát  hiểm và các cửa khác trên đường thoát nạn phải được mở theo chiều lối thoát từ trong nhà ra ngoài. Không quy định chiều mở cửa đối với những trường hợp sau:

  • Các gian phòng nhóm F1.3 và F1.4;
  • Các gian phòng có mặt đồng thời không quá 15 người, trừ các gian phòng hạng A hoặc B;
  • Các phòng kho có diện tích không lớn hơn 200m² và không có chỗ cho người làm việc thường xuyên;
  • Các buồng vệ sinh;
  • Các lối ra dẫn vào các chiếu thang của cầu thang bộ loại 3.

Quy Định Về Đường Thoát Nạn

Theo quy định tại mục 3.3.6 QCVN 06:2010/BXD:

  • Chiều cao thông thủy các đoạn nằm ngang của đường thoát nạn không được nhỏ hơn 2 m, chiều rộng thông thủy các đoạn nằm ngang của đường thoát nạn và các đoạn dốc không được nhỏ hơn:
  • 1,2 m – đối với hành lang chung dùng để thoát nạn cho hơn 15 người từ các gian phòng nhóm F1, hơn 50 người – từ các gian phòng thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng khác;
  • 0,7 m – đối với các lối đi đến các chỗ làm việc đơn lẻ;
  • 1,0 m – trong tất cả các trường hợp còn lại.

Trong bất kỳ trường hợp nào, các đường thoát nạn phải đủ rộng, có tính đến dạng hình học của chúng, để không cản trở việc vận chuyển các cáng tải thương có người nằm trên.

QCVN 06:2010/BXD, 3.3.7 quy định:

Sàn đường thoát nạn không được có các giật cấp với chiều cao chênh lệch nhỏ hơn 45 cm hoặc có gờ nhô lên, ngoại trừ các ngưỡng trong các ô cửa đi. Tại các chỗ có giật cấp phải có bố trí bậc thang với số bậc không nhỏ hơn 3 hoặc làm đường dốc với độ dốc không lớn hơn 1:6.

Khi bậc thang được làm ở những nơi có chiều cao chênh lệch lớn hơn 45cm phải bố trí lan can tay vịn.

Cầu Thang Bộ Và Buồng Thang Bộ

Theo quy định tại mục 3.4.1 & 3.4.2. QCVN 06:2010/BXD, chiều rộng của bản thang bộ dùng để thoát người, trong đó kể cả bản thang đặt trong buồng thang bộ, không được nhỏ hơn chiều rộng tính toán hoặc chiều rộng của bất kỳ lối ra thoát nạn (cửa đi) nào trên nó, đồng thời không được nhỏ hơn:

  • 1,35 m – đối với nhà nhóm F 1.1;
  • 1,2 m – đối với nhà có số người trên tầng bất kỳ, trừ tầng một, lớn hơn 200 người;
  • 0,7 m – đối với cầu thang bộ dẫn đến các chỗ làm việc đơn lẻ;
  • 0,9 m – đối với tất cả các trường hợp còn lại.

Độ dốc (góc nghiêng) của các thang bộ trên các đường thoát nạn không được lớn hơn 1:1 (45°); bề rộng mặt bậc không được nhỏ hơn 25cm, còn chiều cao bậc không được lớn hơn 22 cm.

Điều 3.2.11, QCVN 06:2010/BXD quy định:

Các cửa của lối ra thoát nạn từ các hành lang tầng, không gian chung, phòng chờ, sảnh và buồng thang bộ phải không có chốt khóa để có thể mở được cửa tự do từ bên trong mà không cần chìa khóa. Trong các nhà chiều cao lớn hơn 15 mét, các cánh cửa nói trên, ngoại trừ các cửa của căn hộ, phải là cửa đặc hoặc với kính cường lực.

Đối với các buồng thang bộ, các cửa ra vào phải có cơ cấu tự đóng và khe cửa phải được chèn kín. Các cửa trong buồng thang bộ mở trực tiếp ra ngoài cho phép không có cơ cấu tự đóng và không cần chèn kín khe cửa.

Các cửa của lối ra thoát nạn từ các gian phòng hay các hành lang được bảo vệ chống khói cưỡng bức, phải là cửa đặc được trang bị cơ cấu tự đóng và khe cửa phải được chèn kín. Các cửa này nếu cần để mở khi sử dụng, thì phải được trang bị cơ cấu tự động đóng khi có cháy.

Trên đây là một vài vấn đề cơ bản về hệ thống thoát hiểm trong các công trình xây dựng. Hi vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp trong bài viết này sẽ hữu ích với bạn.

Nguồn tin: phongchayphucthanh.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây